GIỚI THIỆU VỀ BẮC TÂN UYÊN

Huyện Bắc Tân Uyên được thành lập theo Nghị quyết 136/NQ-CP ngày 29/12/2013 của Chính phủ trên cơ sở chia tách huyện Tân Uyên để thành lập Thị xã Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên.

Huyện Bắc Tân Uyên chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/04/2014. Huyện nằm ở phía đông của tỉnh Bình Dương, nằm cách thành phố Thủ Dầu Một khoảng 34 km về phía đông bắc, cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 48 km, địa giới hành chính huyện phía đông và phía nam giáp huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai; Phía tây giáp thành phố Tân Uyên và thị xã Bến Cát; Phía bắc giáp huyện Phú Giáo và huyện Bàu Bàng.

Ngày 11/7/2018, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 535/NQ-UBTVQH14 về việc thành lập thị trấn Tân Thành trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của xã Tân Thành cũ.

Ngày 9/12/2020, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 1110/NQ-UBTVQH14 về việc thành lập thị trấn Tân Bình trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của xã Tân Bình cũ.

Hiện nay, Huyện có 10 đơn vị hành chính cấp xã, thị trấn bao gồm: Thị trấn Tân Thành, Tân Bình, xã Tân Định, Bình Mỹ, Tân lập, Hiếu Liêm, Lạc An, Thường Tân, Tân Mỹ và Đất Cuốc.

Là huyện mới của tỉnh Bình Dương, Bắc Tân Uyên có tốc độ đô thị hóa nhanh, hạ tầng giao thông đồng bộ, bám sát vào trục đường huyết mạch Vành đai của tỉnh Bình Dương và huyện Bắc Tân Uyên.

Huyện Bắc Tân Uyên có diện tích tự nhiên là 40.087,86 ha, dân số: 13.001 hộ với 64.523 người. Trên địa bàn huyện, hiện có 21 dân tộc đang sinh sống gồm: Khơme, Thái, Mường, Sán Dìu, Sán Chỉ, Hoa, Tày, Cơ Ho, Gia-rai, Ê đê, Lào, Thổ, Chơ Ro, Chăm, Nùng, Thái, Dao, H’Mông, Khơ mú, Đan Lai, Ba na... Hầu hết các hộ dân tộc di cư tự do từ nơi khác chuyển đến sinh sống, định cư, lập nghiệp và một số ít chuyển đến do kết hôn với người địa phương.

Chính quyền Bắc Tân Uyên đang chỉ đạo đẩy nhanh tốc độ gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa. Hạ tầng kinh tế – xã hội của Bắc Tân Uyên cũng từng bước được đầu tư đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển của huyện. Hiện tại, 100% các xã trên địa bàn huyện đều được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.