Đặc điểm tình hình
“Ấp chiến lược” Bình Giã (nay thuộc huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) nằm trên hướng lộ 327 cách chi khu Đức Thạnh (tỉnh Bà Rịa cũ) 4 km, chiều dài của ấp khoảng 4 km, với 4.000 dân di cư theo đạo thiên chúa, phần lớn là gia đình hậu phương của các lực lượng biệt động quân và thủy quân lục chiến ngụy; đây là “ấp chiến lược” “kiểu mẫu” của địch, trong đó số đông Nhân dân bị giáo lý phản động mê hoặc, bị địch lợi dụng chống phá ta.
Địa hình khu vực Bình Giã phần lớn là vùng đất đỏ, rừng bằng, cây nhỏ, xen kẽ một ít đồi núi, thuận lợi cho ta ém trú quân và hành quân, cơ động lực lượng kín đáo, bí mật. Về đường xá, quốc lộ số 15 chạy từ Vũng Tàu qua Bà Rịa lên quốc lộ số 1 Biên Hòa - Sài Gòn và đường liên tỉnh lộ số 2 từ thị trấn Xuân Lộc (Đồng Nai) lên quốc lộ số 1 chạy xuống Bà Rịa. Ngoài ra còn có lộ 327 nối liền chi khu Đức Thạnh với “ấp chiến lược” Bình Giã - Xuân Sơn.
Từ cuối năm 1964, Mỹ và chính quyền tay sai gấp rút triển khai kế hoạch bình định có trọng điểm, tổ chức khu vực Bình Giã, Đức Thạnh, Long Điền, Xuyên Mộc, Đất Đỏ thành 4 chi khu quân sự với lực lượng gồm 4 tiểu đoàn biệt động quân (30, 33, 35, 38), 2 tiểu đoàn thuỷ quân lục chiến (1,4) của Lữ đoàn 147, 2 tiểu đoàn dù (5, 6), 3 tiểu đoàn bảo an, 2 trung đội pháo binh 105 mm và 1 chi đoàn xe thiết giáp MI 13.
Sự chuẩn bị của ta
Chấp hành chỉ thị của Quân uỷ Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh và phương hướng hoạt động tác chiến Đông Xuân 1964 - 1965, đầu tháng 11/1964, Bộ Chỉ huy Miền quyết định mở chiến dịch tiến công địch tại khu vực Bình Giã - Đức Thạnh - Đường số 2, trên địa bàn các tỉnh Bà Rịa, Long Khánh, Biên Hoà, Bình Thuận (nay thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và nam tỉnh Bình Thuận) với diện tích gần 500km2. Lực lượng tham gia chiến dịch có 2 trung đoàn bộ binh (761, 762), Đoàn Pháo binh 80 (4 tiểu đoàn), 2 tiểu đoàn bộ binh (500, 800) chủ lực Quân khu 7; Tiểu đoàn 186 chủ lực Quân khu 6, Đại đội 445 bộ đội địa phương tỉnh Bà Rịa cùng lực lượng dân quân, du kích.
Diễn biến và kết quả chiến dịch
Diễn biến chính (chiến dịch được tiến hành theo 2 đợt)
Đợt 1 (2-17/12/1964): rạng sáng 2/12, Trung đoàn 761 bao vây và tập kích hỏa lực chi khu quân sự Đức Thạnh, Đại đội 445 tỉnh Bà Rịa nổ súng tiến công “ấp chiến lược” Bình Giã. Sáng 3/12, địch cho quân đổ bộ bằng máy bay trực thăng xuống tây nam Đức Thạnh để giải toả, khôi phục ấp Bình Giã. Đêm 7/12 ta sử dụng Đại đội 445 và 1 đại đội của Trung đoàn 762 tiến công Bình Giã lần 2; Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 761) và Tiểu đoàn 5 (Trung đoàn 762) đánh thẳng vào chi khu quân sự Đất Đỏ; lực lượng pháo binh Miền tập kích hoả lực vào các chi khu Xuyên Mộc, Đức Thạnh, căn cứ huấn luyện biệt kích Vạn Kiếp.
Trước áp lực của ta ở Bình Giã - Đức Thạnh, ngày 9/12 địch sử dụng Chi đoàn thiết giáp 3 (Thiết đoàn 1) có không quân yểm trợ mở cuộc hành quân “Bình Tuy 33” càn quét dọc đường 2, đoạn từ Bà Rịa lên Đức Thạnh. Ngày 13/12, đoàn xe địch từ Đức Thạnh trở về lọt vào trận địa phục kích, Trung đoàn 762 nhanh chóng tiến công, chiến đấu diệt gọn. Trong khi đó, trên hướng Hoài Đức, Tánh Linh, Tiểu đoàn 186 Quân khu 6 đánh chiếm “ấp chiến lược” Mê Pu, chặn đánh viện binh địch từ Hoài Đức, La Gi lên ứng cứu.
Quân ta bắn rơi trực thăng của địch tại chiến dịch Bình Giã. Ảnh tư liệu
Đợt 2 (27/12/1964 - 3/1/1965): đêm 27/12, Trung đoàn 761 phối hợp với Đại đội 445 đánh chiếm “ấp chiến lược” Bình Giã. Đồng thời, ta dùng hoả lực ĐKZ và súng cối ở tây bắc Ngãi Giao bắn phá chi khu quân sự Đức Thạnh. Sáng 28/12, địch cho quân 30 ở Bà Rịa đả bộ bằng máy bay trực thăng xuống khu vực Trảng Trống ở tây nam Đức Thạnh, nhưng bị ta chặn đánh quyết liệt, phải rút chạy về ấp La Vân. Trưa cùng ngày, địch tiếp tục dùng máy bay trực thăng chở Tiểu đoàn Biệt động quân 33 từ Biên Hoà đổ xuống đông bắc ấp Bình Giã, nhưng cũng bị hoả lực phòng không của ta chế áp. Nắm thời cơ địch chưa kịp triển khai đội hình, Trung đoàn 761 cho bộ đội xuất kích bao vây tiến công, đến 18 giờ làm chủ hoàn toàn trận địa, tiêu diệt phần lớn quân địch, bắn rơi 18 máy bay trực thăng.
Ngày 30/12, địch cho máy bay trực thăng chở quân đổ bộ xuống đông nam ấp La Vân 600m. 18 giờ cùng ngày, ta bắn rơi 1 máy bay trực thăng ở Quảng Giới diệt một số địch, trong đó có 4 lính Mỹ (có 1 trung tá). Nhận định địch sẽ tìm xác đồng đội, ta bố trí trận địa phục kích tại đây. Đúng như dự kiến của ta, 14 giờ 30 phút ngày 31/12 khi Tiểu đoàn Thuỷ quân lục chiến 4 đến Quảng Giới, Trung đoàn 761 đã kịp thời no súng, tiêu diệt từng bộ phận, đến 18 giờ, ta đã hoàn toàn làm chủ trận địa, hoàn thành thắng lợi trận then chốt thứ ba của chiến dịch.
Để cứu nguy cho Đức Thạnh và cố gắng chiếm lại Bình Giã, ngày 01/01/1965 địch huy động khoảng 2 nghìn quân mở cuộc hành quân giải toả mang tên “Hùng Vương 2”. Phán đoán chính xác hướng hành quân của địch, Trung đoàn 762 phục kích tại khu vực Cóc Tiên diệt gọn đoàn xe 10 chiếc và 1 đại đội địch trên đường 15 từ Vũng Tàu về Sài Gòn. Tiếp đó, ngày 3/01, trung đoàn tiếp tục phục kích trên đường số 2 từ Bà Rịa lên Đức Thạnh, diệt đoàn xe 16 chiếc, đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn Biệt động quân 35. Cùng ngày, Tiểu đoàn 800 Quân khu 7 tập kích trại biệt kích Bình Sơn, phối hợp với du kích Long Thành diệt đồn Tam An, Phước Thọ, hỗ trợ quần chúng phá “ấp chiến lược”. Trên hướng Hoài Đức - Tánh Linh, ta bao vây chi khu Hoài Đức, đánh chiếm các “ấp chiến lược” Mê Pu, Sùng Nhơn, Đậm Rim, Tà Bao, làm tan rã lực lượng dân vệ ở đây. Ngày 3/1/1965, Bộ Tư lệnh quyết định kết thúc chiến dịch.
Kết quả chiến dịch:
Ta loại trên 1.700 địch (bắt 293); làm tan rã hầu hết lực lượng dân vệ trong khu vực; phá huỷ và phá hỏng 45 xe quân sự (phần lớn là MI 13), bắn rơi, bắn cháy, bắn hỏng 56 máy bay các loại, thu hơn 1 nghìn súng và gần 100 máy thông tin các loại; phá vỡ hàng loạt “ấp chiến lược” ven đường số 2 và đường số 15, giải phóng vùng ven Hàm Tân và toàn bộ huyện Hoài Đức, mở rộng căn cứ Hát Dịch (Bà Rịa) nối liền với Chiến khu Đ và căn cứ Bình Thuận, bảo đảm căn cứ tiếp nhận vũ khí từ miền Bắc vào bằng đường biên.
Ý nghĩa lịch sử của chiến dịch
Chiến thắng Bình Giã (1964 - 1965) đã đi vào lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, tạo ra thế và lực mới, góp phần thúc đẩy nhanh sự phá sản chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ. Chiến thắng có ý nghĩa chiến lược to lớn, ảnh hưởng sâu rộng ở trong và ngoài nước, khẳng định tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta, đặc biệt là lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam trong lãnh đạo và tiến hành chiến tranh cách mạng.
Cùng với chiến thắng Bình Giã, quân và dân ta trên khắp các chiến trường miền Nam đã tiến hành các đợt hoạt động tác chiến với quy mô khác nhau, như: An Lão (30/11 - 08/12/1964), Đồng Xoài (10/5 - 22/7/1965), Ba Gia (28/5 - 20/7/1965),... góp phần làm phá sản hoàn toàn chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ.
Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Bình Giã là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống lịch sử cách mạng, tri ân công lao cống hiến, hy sinh của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; tuyên truyền giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc, bản lĩnh, trí tuệ, sức mạnh và ý chí quyết chiến, quyêt thắng của dân tộc Việt Nam, góp phần đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.
Ban biên tập
Đánh giá bài viết:
-
Hưởng ứng sử dụng Avatar Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10.10.2024
02:34 30-09-2024 -
Công ty Cao su Phước Hòa tổ chức khai mạc hội thi “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su cấp Công ty lần thứ 25 năm 2024
02:27 27-09-2024 -
Tập huấn tuyên truyền chính sách, pháp luật về kinh tế tập thể năm 2024
02:14 27-09-2024 -
Trao tặng học bổng cho con, cháu gia đình nạn nhân chất độc da cam
02:07 26-09-2024 -
Bắc Tân Uyên tổ chức hội nghị tuyên truyền, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024
08:34 26-09-2024