Di tích lịch sử Chiến khu Đ: Căn cứ quan trọng của cách mạng
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Chiến khu Đ là căn cứ quan trọng của cách mạng ở miền Đông Nam bộ. Với những giá trị lịch sử gắn với vùng đất này, Chiến khu Đ đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia và là một trong những địa chỉ về nguồn ý nghĩa cho các thế hệ mai sau...
Lịch sử hình thành
Chiến khu Đ được hình thành vào tháng 2-1946 với địa bàn ban đầu bao gồm 5 xã: Tân Hòa, Mỹ Lộc, Tân Tịch, Thường Lang, Lạc An thuộc huyện Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa (nay thuộc TX.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Trong từng giai đoạn lịch sử của cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc, phạm vi Chiến khu Đ lại có sự thay đổi.
Chiến khu Đ - Đ là mật danh chỉ tổng hành dinh của Khu 7, nằm trong hệ thống các khu vực của khu tính theo thứ tự bảng chữ cái (A: Căn cứ giao thông liên lạc, B: Căn cứ hậu cần, C: Khu bộ đội thường trực). Về sau, mật danh Đ được dùng để chỉ luôn cả chiến khu rộng lớn. Ngoài ra, còn có một số cách lý giải khác: Đ mang ý nghĩa là “đỏ”, ý chỉ vùng chiến khu cách mạng kiên cường, một “địa chỉ đỏ” của cả nước; Đ là chữ cái đầu của địa danh Đất Cuốc - nơi bộ đội Huỳnh Văn Nghệ xây dựng cứ điểm đầu tiên; Đ là chữ viết tắt của chiến khu Đồng Nai, chiến khu miền Đông, chiến khu đầu tiên...
Trên cơ sở phạm vi ban đầu gồm 5 xã thuộc huyện Tân Uyên, từ năm 1948 trở đi, Chiến khu Đ được mở rộng, lấy đường 16 từ phía tây và sông Đồng Nai từ phía nam làm ranh giới để mở rộng lên phía bắc tới Phước Hòa và phía đông tới sông Bé; sau đó tiếp tục vượt qua sông Bé phát triển mãi lên phía bắc và đông bắc. Dù vậy, phạm vi chủ yếu của chiến khu nằm trên vùng đất: Phía tây giáp đường 16, đoạn từ thị trấn Tân Uyên lên Cổng Xanh; phía bắc giáp sông Bé, đoạn từ cầu Phước Hòa lên Chánh Hưng; phía đông vẫn giáp sông Bé đoạn từ Chánh Hưng đến ngã ba Hiếu Liêm và phía nam giáp sông Đồng Nai, đoạn từ ngã ba Hiếu Liêm về thị trấn Tân Uyên.
Sang thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, từ phạm vi chiến khu cũ (chủ yếu nằm trên địa bàn Tân Uyên), ta chuyển dần trung tâm căn cứ lên phía đông bắc. Đến đầu năm 1975, căn cứ được xây dựng hoàn chỉnh, phạm vi mở rộng tối đa. Lúc bấy giờ, Chiến khu Đ nằm trong phạm vi: Phía nam giáp sông Đồng Nai; phía tây giáp tỉnh Bình Dương và cắt qua địa phận hai tỉnh Phước Long, Bình Long (nay là Bình Phước); phía bắc vươn xa giáp biên giới Việt Nam - Campuchia (đoạn từ Bù Đốp đến Bù Đăng); phía đông giáp các tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng.
Chiến khu Đ được xem như một trung tâm kháng chiến, là nơi ra đời của các lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Chiến khu Đ là một trong những căn cứ quan trọng của các cấp ủy Đảng, các tổ chức chính quyền và cơ quan chỉ huy quân sự thuộc nhiều huyện, tỉnh lân cận và cả Khu 7, Phân liên khu miền Đông và Nam bộ. Đây cũng là nơi ra đời các đơn vị vũ trang trong những ngày đầu kháng chiến, như: Chi đội 1, Chi đội 10, Trung đoàn 301, Trung đoàn 310, Liên trung đoàn 301 - 310, Tiểu đoàn chủ lực 303, Tiểu đoàn vận tải 320... Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Chiến khu Đ là nơi xây dựng, đứng chân các cơ quan lãnh đạo của Đảng, các lực lượng vũ trang từ huyện, tỉnh, liên tỉnh, quân khu đến Trung ương Cục.
Chiến khu Đ là nơi ra đời lối đánh đặc công, khởi đầu là trận đánh tháp canh cầu Bà Kiên ở Tân Uyên ngày 19-3-1948, để từ đó hình thành bộ đội đặc công, phát triển lối đánh đặc công ra cả nước. Chiến khu Đ còn là nơi gắn liền với những chiến công vang dội của quân và dân miền Đông Nam bộ, trong đó có những trận đánh tiêu biểu, như: Trận Bảo Chánh (5-1947), Trảng Táo (6-1947), Bảo Chánh 2 (6-1947), Bàu Cá (7-1947), Đồng Xoài (12-1947), La Ngà (3-1948), trận tấn công tiểu khu Phước Thành (9- 1961), trận pháo kích vào sân bay Biên Hòa (10-1964)... Đặc biệt, đây là nơi xuất phát chiến dịch 12 ngày đêm (từ ngày 9 đến 21-4-1975) giải phóng thị xã Long Khánh, đập tan cánh cửa thép Xuân Lộc - tuyến phòng ngự cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn, mở đường cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Tồn tại gần 30 năm (1946-1975), Chiến khu Đ là một dấu son trong trang sử oai hùng của “Miền Đông gian lao mà anh dũng”.
Phát huy giá trị di tích
Với ý nghĩa lịch sử, tầm vóc và sự đóng góp của Chiến khu Đ qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, ngày 11-5- 2010, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp hạng Chiến khu Đ là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Năm 2011, UBND tỉnh đã đầu tư kinh phí xây dựng công trình Khu tưởng niệm Chiến khu Đ tại địa bàn xã Đất Cuốc, huyện Bắc Tân Uyên, với tổng diện tích 39,8 ha. Công trình gồm các hạng mục: Nhà truyền thống, nhà đón khách - điều hành, cổng chào, quảng trường, nhà bia tưởng niệm, tượng đài trung tâm, vườn thơ Huỳnh Văn Nghệ và một số công trình hạ tầng kỹ thuật khác... nhằm tái hiện hình ảnh Chiến khu Đ hào hùng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Trong các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh, Chiến khu Đ là một trong những địa chỉ được nhiều người, các ban ngành, đoàn thể, các trường học... trong và ngoài địa phương thường chọn để tổ chức các chuyến về nguồn hay tổ chức các buổi sinh hoạt ý nghĩa khác. Với các thế hệ đi sau, đặc biệt là tuổi trẻ, lịch sử oai hùng của vùng đất Chiến khu Đ mãi là niềm tự hào để mỗi khi có dịp đến thăm, tìm hiểu về vùng đất lịch sử này họ sẽ khắc sâu thêm lòng tự hào dân tộc để tiếp tục ra sức phấn đấu trong lao động và học tập, góp phần tích cực vào việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng phát triển hơn.
(Nguồn: Báo Bình Dương)